Ngày 29/9 vừa qua, các sinh viên của trường Cao đẳng Goldsmiths ở New Cross, một phần của Đại học London, Anh, đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy chiếc xe tải chở hàng chục tấn cà rốt đổ xuống con đường bên cạnh ngôi trường.
Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra và nghi ngờ có sự nhầm lẫn gì chăng nhưng sau đó được biết đó là dụng ý của một nghệ sĩ người Tây Ban Nha sống tại xứ Wales, tên Rafael Perez Evans. Người nghệ sĩ này tiết lộ đây là tác phẩm nghệ thuật mang tên “Grounding” với mục đích làm nổi bật vấn đề lãng phí thực phẩm, ở Anh nói riêng và nhiều nơi trên khắp thế giới nói chung.
Đống cà rốt 29 tấn này sẽ tiếp tục nằm ở đó cho đến khi triển lãm kết thúc vào ngày 6/10 tới đây. Sau đó, nghệ sĩ này sẽ thu gom đống cà rốt khổng lồ và quyên góp làm thức ăn cho gia súc.
Sinh viên sân khấu nhạc kịch Eden Groualle, 20 tuổi, mô tả tác phẩm nghệ thuật sắp đặt này “rất kỳ lạ”. Những người khác trên Twitter nói rằng đống cà rốt như vậy đúng là một cảnh tượng chỉ có thể được tìm thấy ở Goldsmiths, một vài người khác đánh giá tác phẩm nghệ thuật là khoe khoang.
Đống cà rốt 29 tấn có giá trị không hề nhỏ nếu được bán hết trong siêu thị
Một người nói đùa: “Đặt củ cà rốt trên sàn nhà và gọi nó là nghệ thuật. Con thỏ của tôi sẽ đánh giá cao nó”. Mặc dù Rafael Perez Evans đã giải thích rằng số cà rốt này là “hàng loại”, các siêu thị không nhập chúng nhưng nhiều người vẫn cho rằng như vậy là lãng phí.
Sinh viên ngành lịch sử Lester Langford, 20 tuổi, đến từ Warwickshire, cho biết: “Mặc dù số cà rốt này sẽ được tặng cho các trang trại sau khi triển lãm kết thúc nhưng nó vẫn còn một chút vấn đề, đặc biệt là trong bối cảnh tình trạng nghèo đói, thiếu lương thực và tình trạng vô gia cư diễn ra ở Lewisham”.
Nhìn đi nhìn lại cũng khó có thể “cảm thụ” được vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật này
Chàng sinh viên 20 tuổi, người nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn, cho biết: “Đi xem tác phẩm này thật vui và kỳ lạ… Thật khó để phủ nhận những vấn đề nhức nhối của việc lãng phí thực phẩm. Đó chắc chắn là một cách thú vị để thu hút sự chú ý cho một hoạt động xã hội!”.
Theo trang web của nghệ sĩ Rafael Perez Evans, tác phẩm này giúp mọi người nhìn thấy “sự khác biệt về cách sống của người ở nông thôn và thành thị”, và lấy cảm hứng từ việc nông dân châu Âu bán phá giá sản phẩm như một hình thức phản đối.
Kể từ khi xuất hiện đống cà rốt, nhiều sinh viên đã leo lên trên “Grounding” để chụp ảnh, thậm chí có người còn mang cà rốt về nhà ăn.
Nguồn: Dailymail
footerFbSdk.init();
});
Nguồn tin: Kenh14.vn