Hà Nội chính thức áp dụng biện pháp cấp bách để phòng chống Covid-19 từ 0h 19/7, sau một quãng thời gian dài dừng phục vụ tại chỗ một số cơ sở kinh doanh, rồi mở được vài tuần, và rồi lại dừng…
Từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 tới nay, có lẽ cảm giác của người Hà Nội đều thay đổi không ít: Cuộc sống ở nhà nhiều hơn, mỗi ngày mở mắt là những con số về ca bệnh ập tới, ở đâu cũng phòng dịch nghiêm ngặt, muốn được tự do lang thang và ngắm nhìn thành phố thì quá đỗi xa xỉ.
Một bên gò bó, cuồng chân, một bên hy vọng, tin tưởng – là sự va chạm dễ thấy giữa cảm quan xã hội và nỗi lòng cá nhân của nhiều người, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, ai cũng hiểu rõ tầm quan trọng của sự tự giác: Tự bảo vệ chính mình cũng là đang có trách nhiệm với xã hội, với chính quyền, với y bác sĩ tuyến đầu, với hàng triệu người khác… Chúng ta đều hiểu, và đồng lòng.
Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta phải khước từ nỗi nhớ về một Hà Nội thẩn thơ những ngày xưa cũ. Bởi thế mà trong thời điểm hiện tại, những tác phẩm, những câu chuyện, bộ ảnh, tranh vẽ… liên quan đến vẻ hoài niệm của Hà Nội có sức lan toả ghê gớm. Dù xã hội cấp tiến tới đâu, thì những giá trị nghệ thuật vẫn luôn được trân trọng, đặc biệt là nghệ thuật tái hiện một Hà Nội những ngày-không-có-dịch giữa những ngày thành phố ngổn ngang.
Hà Nội qua tranh, tình quá Hà Nội ơi!
Cũng vì tinh thần kể trên mà bộ tranh về Hà Nội của hoạ sĩ Phong Hoàng phần nào có sức lan toả rộng lớn hơn trong thời điểm này. Bộ tranh được gọi chung với cái tên “Chút Tình Gửi Phố” được chính tác giả chia sẻ trong nhóm Mê Tranh, đến nay đã 3k lượt thích và hơn 600 lượt share. 28 bức ảnh là 28 góc phố Hà Nội được tác giả thực hiện từ cuối 2017 đến nay.
Những góc phố rất Hà Nội
Hoạ sĩ Phong Hoàng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong một dịp ra Hà Nội năm 2017 đã “phải lòng” thủ đô, theo anh tự nhận là “Yêu từng góc phố từng con đường, yêu lối sống sinh hoạt gần gũi, gắn liền với những hình ảnh xưa cũ vẫn còn được lưu giữ rõ rệt”. Đặc biệt, anh mê mẩn với kiến trúc Hà Thành, các toà nhà, các căn biệt thự trên phố cổ…
Hà Nội 4 mùa rõ rệt, và từ 2017 tới nay, tác giả đều đặn bay ra Hà Nội để cảm nhận trọn vẹn sự luân chuyển của đất trời. Thời tiết thủ đô đỏng đảnh thật đấy, nhưng giữa những khoảng giao mùa, bao giờ cũng là vẻ đẹp khiến người ta thổn thức – những lúc như vậy là để người nghệ sĩ được thăng hoa.
Chia sẻ với chúng tôi, hoạ sĩ Phong Hoàng cho biết các bức tranh được vẽ bằng màu nước trên giấy của hãng Arches (Pháp). “Do đây là dạng chất liệu vẽ kiểu ‘bút sa gà chết’, rất khó chỉnh sửa nên thời gian vẽ thì không lâu , dao động tầm khoảng 1 tuần, nhưng thời gian tính toán, căn chỉnh để thể hiện sẽ lâu hơn, có khi mất một đến vài tháng trước khi đặt bút vẽ”.
Tên gọi “Chút Tình Gửi Phố” phần nào cũng chính là tâm niệm của tác giả Phong Hoàng: Được dùng cái nhìn của một người con miền Nam để phác hoạ lại, lưu giữ cái tình trong từng góc phố và xin gói ghém toàn bộ tình cảm gửi cho thủ đô: “Giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, mình mong muốn bộ tranh sẽ giúp lan tỏa một chút năng lượng tích cực tới mọi người, cũng như hy vọng dịch sớm qua để những hình ảnh quen thuộc này được quay trở lại. Hy vọng cả nước từ Bắc vào Nam đồng lòng vượt qua đại dịch!”.
Từng bức tranh riêng lẻ trong bộ tranh là sự hoà hợp xuất sắc của màu sắc và ánh sáng. Dù dùng bao nhiêu mỹ từ cho “Chút Tình Gửi Phố” của hoạ sĩ Phong Hoàng thì có lẽ cũng không chân thực và lay động bằng cảm xúc mỗi người tự chiêm nghiệm, tự nhận ra qua từng bức tranh. Vậy thì đây, mời bạn. Xin hãy để ngón tay dừng lại vài giây, đôi mắt dừng lại vài phút, con tim dừng ngổn ngang vài giờ để tận hưởng sự chữa lành từ một Hà Nội trong tranh:
Phố Châu Long tung tăng nắng
Mùa hè dừng trôi trên gánh hàng rong
Một căn nhà cổ đoạn Hàng Vôi – Yên Phụ nhưng nay đã bị phá dỡ
Bầu trời đêm đầy sao trên Nhà thờ lớn, soi đường loang bóng sau cơn mưa
Nhà thờ Cửa Bắc sao nặng lòng thế?
Con phố gắn liền với tên tuổi tiệm ngọt Bùi Công Trung
Giỏ hoa chở cả mùa thu Hà Nội
Ánh chiều hiu hắt phố xưa
Phố Lý Đạo Thành có căn nhà cổ
Phố Nguyễn Thiếp nghiêng mình dưới mưa xuân
Nắng đổ vàng cơn mưa
Nhà số 9 Phan Huy Ích
Mai đây em qua Phạm Sư Mạnh
Nhớ khúc phố đẹp nhất Chân Cầm
Nhộn nhịp phố Nguyễn Hữu Huân
Nhà 51 Trần Hưng Đạo ngày sẩm tối
Ô Quan Chưởng ngày xuân nhộn nhịp
Hàng Mã đón cả Tết về
Chợ Hàng Bè – Cầu Gỗ chạy vội cơn mưa xuân
footerFbSdk.init();
});
Nguồn tin: Kenh14.vn